Xanh hóa ngành tôm
Gần dây nhất là khu công nghiệp xanh, tín dụng xanh… nối dài những cái “xanh” trước đó như đô thị xanh, doanh nghiệp xanh, sản phẩm xanh, thậm chí rác xanh… Chính phủ ta đã cam kết lộ trình trung hòa carbon, một tiêu chí bao quát tiến trình “xanh hóa” ở nước ta. Ngành thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng cũng không đứng ngoài làm vai trò tham quan, rút kinh nghiệm… mà phải xoắn tay bắt nhịp chung ngay từ bây giờ. Điều này lãnh đạo ngành đã có chỉ đạo sớm và quyết liệt. Vietfish của VASEP 2024 có chuyên đề thảo luận “Xanh hóa vùng nuôi”; Vietshrimp 2025 của Hội Thủy sản có chủ đề cũng như vậy. Đây là minh chứng cho sự chuyển động nhanh chóng của ngành thủy sản. Các báo Thời báo Kinh tế SG, báo SGGP cũng có nhiều hội thảo cũng xoay quanh câu chuyện “Xanh hóa”. Có lẽ những ngành kinh tế cũng đều đang hối thúc thực thi nội dung hết sức cấp thiết và cần thiết này.
Trở lại ngành tôm. Chuỗi ngành hàng này hình thành từ rất nhiều mắt xích. Xanh hóa ngành, trước tiên là xanh hóa từ từng mắt xích. Trong các mắt xích đó phần nuôi là đáng quan tâm nhất, bởi mắt xích này tạo ra chất thải khá lớn (khí thải lẫn rác thải), tuy không cao bằng động vật nuôi trên bờ như bò, gà…. Với tầm quan trọng đó nên hội thảo trong ngành nêu trên xoay quanh chủ đề này là vô cùng hợp lý. Sao Ta là doanh nghiệp (DN) thủy sản có vùng nuôi lớn, có sản lượng tôm nuôi cao nhất so với các trang trại trong ngành. Do vậy, theo lý thuyết, phát thải cũng thuộc hàng cao nhất. Sao Ta cũng là DN duy nhất trong ngành đã có tiến trình tham gia dài nhất thực thi bộ tiêu chí phát triển bền vững (CSI) do VCCI phát động. Minh chứng các năm 2020, 2021, 2022, 2023 Sao Ta trong top 100 DN Việt bền vững do VCCI và các Bộ ngành liên quan xét chọn. Điều đó cũng chứng minh Sao Ta đã có nhận thức và nhất là đã có chương trình hành động cho việc bám sát lộ trình trung hòa carbon của Chính phủ, và trong thực tế đã có một số thành quả khá tốt. Cụ thể, vùng nuôi Sao Ta đã quan tâm và thực thi một số giải pháp:
+ Ao nuôi được nghiên cứu và thi công hàng loạt, bài bản. Diện tích ao vừa phải (2000-3000m2/ao) nhằm thuận lợi kiểm soát đáy ao và độ dốc vào giữa ao phải tốt để đáy ao không lưu giữ chất thải sau khi xi phông, giảm tạo mầm khí thải từ đáy ao. Ý nghĩa là tạo môi trường sạch hơn cho tôm và giảm phát thải.
+ Nghiên cứu trong nhiều năm (2015-2018) việc nhân sinh khối lợi khuẩn có tại vùng nuôi để phục vụ nuôi. Lợi khuẩn với mật số lớn sẽ chiếm giữ diện tích, nhất là đáy, ao nuôi, tranh thức ăn và môi trường sống với các dòng khuẩn khác từ bên ngoài xâm nhập. Thức ăn của lợi khuẩn là thức ăn tôm bị dư ra, là phân thải ra từ tôm. Để cân bằng chỉ số trong thức ăn (C và N), trại sẽ bổ sung cho ao nuôi mật đường hoặc sản phẩm có tinh bột. Trại nuôi Sao Ta đã thành công trong việc nhân sinh khối (chủ yếu dòng Bacilus) bảo đảm mật độ trên tỉ vi sinh trên gram mẫu và nhất là tỉ lệ thuần (không bị tạp) là tuyệt đối. Từ bình 2000 lít đầu tiên, nay phát triển lên 8 bình tương tự và cứ 2 ngày cung ứng một mẻ, phục vụ cho trên 600 ao nuôi của các trại và kết quả là bệnh tôm chết sớm đã không còn hiện hữu ở trại nuôi Sao Ta. Ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa XANH của việc này là (1) Lấy vi sinh có lợi lấn át vi sinh có hại, hạn chế tối đa sử dụng hóa chất có hại cho môi trường chung và nhất là làm giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm tôm nuôi, tăng sức cạnh tranh cho ngành tôm ta (2) Không tạo ra rác thải, giảm khí thải vì nguồn tạo ra khí thải (thức ăn dư, phân tôm…) đã được vi sinh có lợi sử dụng.
+ Sau thành công nêu trên, Trại nuôi Sao Ta tiếp tục nghiên cứu nhân sinh khối vi sinh kích thích tiêu hóa và tiếp tục là nhân sinh khối vi sinh có khả năng hấp thu khí thải trong nước thải như NO2, NO3, NH3, NH4… Ý nghĩa của giải pháp này vừa hạn chế việc gây ô nhiễm môi trường vừa giảm phát thải, góp phần cho việc trung hòa carbon nhanh hơn. Tuy chưa định lượng được thành quả này, nhưng về định tính đã khẳng định trong nghiên cứu lẫn trong thực tế.
+ Thường xuyên nghiên cứu cách thức tính toán mức thức ăn cho tôm trên nền tảng tính toán các yếu tố tác động tích cực (thời tiết, con giống tốt) lẫn tiêu cực (thời tiết thất thường, dịch bệnh) và từng loại thức ăn nhằm giảm thức ăn mà tôm vẫn phát triển như mong muốn. Việc này không chỉ mang lợi ích kinh tế, FCR giảm làm giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh mà còn ý nghĩa giảm phát thải từ nguồn thức ăn dư thừa nếu cho ăn không phù hợp. Giải pháp sử dụng vi sinh và thức ăn đúng đủ sẽ góp phần to lớn nhất trong hành động xanh hóa vùng nuôi.
+ Vỏ tôm lột và tôm chết thu từ các điểm xi phông ao tôm, trước đây phải chôn lấp. Nay, với thành công trong việc ứng dụng “nuôi tôm kết hợp nuôi vi sinh”, phần thải này đã giảm đi hết sức đáng kể. Vỏ tôm lột được tôm coi là nguồn thức ăn giàu khoáng, còn tôm chết thì trại tìm nơi tiêu thụ làm nguyên liệu đầu vào cho các cơ sở chế biến, coi như “kinh tế tuần hoàn”. Việc này có ý nghĩa về mặt kinh tế lẫn giảm phát thải.
+ Các trại luôn coi trọng tổng vệ sinh, dọn dẹp gọn gàng. Qua đó cũng thuận lợi kiểm soát, ngăn chặn động vật xâm nhập. Việc này có ý nghĩa tăng an toàn sinh học cho trại, giảm rác thải ủ lây tạo khí thải và gây nguy cơ phát tán các ao nuôi vì vùng nuôi sát biển có gió lớn thường xuyên.
+ Bùn thải tuyệt đối không đưa ra môi trường chung mà được thu gom toàn bộ vào khu đất đã chuẩn bị trước. Sau khi bùn đất này khô sẽ được sử dụng để nâng đáy ao nuôi, tăng mức an toàn cho ao nuôi. Ý nghĩa việc này không làm ảnh hưởng môi trường chung và tăng ích lợi cho trại tôm.
+ Tích cực tham gia chương trình trồng rừng phòng hộ ven biển quanh vùng nuôi. Việc này có ý nghĩa thể hiện nhận thức trách nhiệm xã hội cũng như trách nhiệm cân bằng carbon về lâu dài.
+ Các trại nuôi cũng chú trọng không tạo rác thải khó xử lý, như xây dựng hệ thống lọc nước uống cung cấp cho từng trại, không phải mua nước uống đóng chai bên ngoài. Việc này vừa tiết kiệm vừa giảm rác thải.
+ Về sách lược lâu dài, trại nuôi đã trao đổi với các nhà cung ứng thức ăn, nghiên cứu thành phẩn và nguyên liệu sao cho thức ăn vừa tiêu hóa tốt, giá thành vừa phải nhưng nhất là giảm khí thải càng nhiều càng tốt. Máy bay đã có nguồn nhiên liệu giảm phát thải thì chẳng lẽ câu chuyện nhỏ này làm khó ngành. Khả năng thành công sẽ không xa.
Tóm lại, do không có nhiều thông tin từ các trại nuôi tôm các nơi, tôi mạn phép lấy hình ảnh trại tôm Sao Ta để nêu lên những nội dung có thể làm từ bây giờ, góp phần xanh hóa vùng nuôi tôm nói riêng, ngành thủy sản nói chung. Câu chuyện tiếp theo sẽ là xanh hóa các cơ sở chế biến thủy sản và có thể nối tiếp là xanh hóa ở từng mắt xích khác. Nhưng cần sự chung tay chia sẻ của nhiều bên.
Nguồn: vasep
Ngày đăng : 03/09/2024
1138 Lượt xem
Bài viết khác
AQUACULTURE VIETNAM 2024 - Aqua Mina Chúc Mừng Triển Lãm Quốc Tế Chuyên Ngành Thủy Sản Việt Nam Khai Mạc Thành Công
Sự đa dạng trong nuôi tôm cá
Dùng diệp hạ châu trong nuôi tôm
Diện tích nuôi tôm ở Ấn Độ giảm, sản lượng vẫn ổn định
Khách hàng châu Âu quan tâm đến tôm Mỹ Latinh hơn tôm châu Á
Cách GIÚP TÔM LỘT XÁC ĐỀU
Xử lý tảo tàn trong ao nuôi tôm
Lợi ích của tảo khuê trong nuôi tôm
Nuôi tôm ao trong ao
Nghiên cứu thành công tạo tôm giống sạch bệnh
'Vua tôm' Minh Phú Lê Văn Quang: 'Đã đến lúc ngành tôm không thể chạy theo số lượng'
Cách lắp đặt hệ thống sục khí trong bể ương nổi