Chia sẻ: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nhiều tín hiệu tích cực
Các thị trường trọng điểm đều duy trì sức tăng trưởng
Ông Trần Gia Long - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, trong thời gian 4 tháng qua, kinh tế - xã hội và toàn ngành có nhiều biến đổi. Ngành Nông nghiệp và Môi trường, mặc dù còn nhiều thách thức nhưng đang đứng trước những cơ hội lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng 4% trong năm nay.
Sau 4 tháng đầu năm 2025, toàn ngành xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 21,15 tỷ USD, tăng 10,7%. Trong đó, nhóm nông sản chính đạt 11,6 tỷ USD; nhóm lâm sản 5,56 tỷ USD; thủy sản đạt 3,09 tỷ USD. Đặc biệt, toàn ngành xuất siêu 5,18 tỷ USD. Một số mặt hàng có giá xuất khẩu tăng trưởng mạnh, như: Cà phê tăng 67%, hạt tiêu tăng 62%, cao su tăng 32%, hạt điều tăng 27%.
Các thị trường trọng điểm của nông sản đều duy trì sức tăng trưởng, như: Mỹ tăng 10,2%; Trung Quốc tăng 17,1%. Đáng chú ý, xuất khẩu sang châu Âu tăng gần 40%, châu Mỹ tăng hơn 12% và Nhật Bản tăng hơn 23%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy nỗ lực mở rộng và đa dạng hóa thị trường đang mang lại hiệu quả.
Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, mặc dù đang tạm hoãn 90 ngày, nhưng chính sách thuế mới của Mỹ đã và sẽ tạo ra thách thức lớn cho xuất khẩu nông sản của Việt Nam bởi các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan và Ấn Độ đang có lợi thế nhờ vào mức thuế thấp hơn.

Là doanh nghiệp xuất khẩu hạt tiêu số 1 sang Mỹ, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group cho biết, từ ngày 10/4/2025 (sau khi Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng) đến nay, các đối tác nhắn tin tới tấp xin nhập hàng, đơn hàng gửi về rất nhiều. Hiện các đơn hàng tăng đột biến khiến doanh nghiệp phải tăng cường sản xuất 3 ca.
Ông Phan Hoàng Duy - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ cũng cho hay, hiện công ty xuất khẩu sản phẩm cá tra tới hơn 30 thị trường, trong đó thị trường Mỹ chiếm trên 50% tổng sản lượng. Hơn nữa, doanh nghiệp đã và đang đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, kết nối lại với các đối tác cũ tại châu Âu, Canada, Brazil, Nhật Bản, Australia và một số nước châu Á.
Mở rộng thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, để thúc đẩy xuất khẩu trong thời gian tới, ngành sẽ khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường, tiêu chí phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng và ban hành kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2025 đảm bảo mục tiêu tăng trưởng ngành.
Bên cạnh đó, theo dõi sát diễn biến tình hình và thúc đẩy đàm phán, chuẩn bị nội dung và tham gia đoàn đàm phán của Chính phủ để giảm thiểu các tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nông dân trong nước. Đồng thời, tiếp tục xử lý các vấn đề nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, châu Âu…; mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, Ấn Độ, Hàn Quốc, châu Phi...
Đáng chú ý, trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ, Bộ sẽ theo dõi diễn biến của việc áp thuế của Hoa Kỳ, thúc đẩy đàm phán với Hoa Kỳ cũng như áp dụng các giải pháp tích cực để giảm thiểu tác động bất lợi cho doanh nghiệp và nông dân. Đề xuất và triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng phó với việc áp thuế đối ứng của Chính phủ Mỹ và đa dạng hóa thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền và vận động sự ủng hộ của các đối tác Mỹ cho xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam.
Cùng với đó, chuẩn bị tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, thúc đẩy kết nối giao thương, phát triển thị trường trong nước, thúc đẩy xuất khẩu; tổ chức các đoàn công tác về đẩy mạnh hợp tác, thúc đẩy xuất nhập khẩu nông sản sang thị trường Anh, Đức, Australia và New Zealand.
Ngoài ra, phát triển thị trường tiêu thụ trong nước thông qua việc tổ chức thường niên các hội chợ, triển lãm quan trọng của ngành (Hội chợ AgroViet, Hội chợ Làng nghề Việt Nam); phối hợp với các địa phương tổ chức các tuần hàng nông sản tại các thành phố lớn… nhằm kết nối các đơn vị sản xuất với các kênh phân phối tiêu thụ và xuất khẩu nông sản.
Nhận thức rõ chế biến sâu và đa dạng thị trường là yếu tố then chốt để thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu, hiện nay nhiều doanh nghiệp chế biến và sản xuất nông sản đang thực hiện chiến lược mở rộng thị trường, đa dạng hóa đối tác; đồng thời đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực kiểm soát chất lượng và minh bạch truy xuất nguồn gốc.
Về phía hiệp hội, ông Ngô Sỹ Hoài - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết, tận dụng thời gian Mỹ tạm hoãn áp thuế đối ứng với Việt Nam 90 ngày, Vifores và hiệp hội các địa phương đã và đang cố gắng xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch điều chỉnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
.png)
3 kịch bản tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản năm 2025
Mới đây, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã đưa ra 3 kịch bản dự báo ứng phó của ngành nông, lâm, thủy sản Việt Nam trong năm 2025.
Mỗi kịch bản đều gắn liền với những mức thuế cụ thể mà Mỹ có thể áp dụng, từ đó phản ánh tác động tương ứng đến kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng ngành.
Ở kịch bản 1, nếu thuế suất giữ ở mức 10% suốt năm 2025 và áp dụng đồng đều cho các nước, xuất khẩu và mục tiêu tăng trưởng ngành nông nghiệp sẽ gần như không bị ảnh hưởng.
Kịch bản 2, nếu sau thời gian hoãn, hai bên thống nhất mức thuế 20%, xuất khẩu 6 tháng cuối năm có thể giảm 20%, kéo tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản giảm 0,15 - 2 điểm %, còn khoảng 3,8 - 3,85%.
Ở kịch bản 3, nếu Mỹ vẫn áp thuế 46%, xuất khẩu nửa cuối năm dự kiến giảm 40%, khiến tăng trưởng ngành giảm 0,3 - 0,4 điểm %, còn 3,6 - 3,8%.
Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cũng đưa ra các giải pháp ứng phó như tăng cường đối thoại với Mỹ, hỗ trợ khẩn cấp cho các mặt hàng quan trọng chịu tác động lớn từ thuế mới và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Theo đó, cần tăng cường đối thoại với Mỹ để tìm giải pháp giảm thuế nhập khẩu hai chiều hoặc xin miễn giảm thuế đối với một số mặt hàng nông sản chiến lược; đẩy mạnh minh bạch hóa xuất xứ hàng hóa và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng rõ ràng; tiếp tục nâng cao năng suất, chất lượng và giảm giá thành, chủ yếu thông qua nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sức cạnh tranh cho nông lâm thuỷ sản Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường khuyến nghị, cần đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống như: Trung Quốc, Đông Á, ASEAN, Mỹ, châu Âu, đẩy mạnh khai thác các thị trường tiềm năng...
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn
Liên hệ AQUA MINA để được tư vấn, cung cấp Ao tròn nổi, bồn nước nuôi cá và trang thiết bị thủy sản nhằm phục vụ sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
- Địa chỉ: 685 Quốc Lộ 1A, P. Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, Tp HCM
- Điện thoại: 1800 6071 (Tổng đài miễn cước )
- Email: sales@aquamina.com.vn hoặc oversea@aquamina.com.vn
- Đại lý của Aqua Mina tại Nhật Bản: Công ty REX INDUSTRIES CO.,LTD
- Địa chỉ: 1-9-3 Hishiya-Higashi, Higashi-Osaka 578-0948 JAPAN
- Email: kimakubo@rexind.co.jp
- Điện thoại: +81-(0)72-961-9893
- Website: www.rexind.co.jp/e/

CHÚNG TÔI LÀM VIỆC VÌ THÀNH CÔNG CỦA BẠN!
Ngày đăng : 08/05/2025
1014 Lượt xem
Bài viết khác
Chia sẻ: Cách Quản lý dịch bệnh trên tôm
Chia sẻ: Tin vui Xuất khẩu tôm tăng mạnh
Tốc độ phát triển của ngành cá rô phi thế giới
Các yếu tố gia tăng sức cạnh tranh cho ngành tôm
Góc chia sẻ: Ăn tôm có nhất thiết phải bỏ chỉ tôm không?
Chia sẻ: Đi chợ gặp 6 loại tôm này, giá rẻ đến mấy cũng không nên mua
Chia sẻ: Phân biệt tôm bơm tạp chất và tôm sạch
Chia sẻ: Bỏ túi ngay cách phân biệt tôm nuôi và tôm tự nhiên
Sau sáp nhập, một tỉnh có thế mạnh về cà phê bất ngờ thành ‘vựa nuôi tôm’ lớn
Tin vui: Người Mỹ chuộng cá rô phi Việt Nam, 'chốt đơn' hàng chục triệu USD
Chia sẻ: Trung Quốc tăng mua tôm Việt Nam
Chia sẻ các chỉ tiêu đánh giá chất lượng tôm giống